Tĩnh Tâm Tuần Thánh

Flörsheim Gründonnerstag 28.03.2024

Flörsheim Karfreitag 29.03.2024

Flörsheim Karsamstag 30.03.2024

Nhà thờ St. Gallus

Hauptstraße 28, 65439 Flörsheim

Nhà thờ St. Gallus

Hauptstraße 28, 65439 Flörsheim

Nhà thờ St. Gallus

Hauptstraße 28, 65439 Flörsheim

16g00 Giải tội + Giảng Thuyết

17g00 Thánh lễ có nghi thức rửa chân

17g00 Giải Tội + Giảng Thuyết

18g00 Suy tôn thánh giá

16g00 Giảng thuyết

17g00 Giải tội

18g00 Thánh lễ Phục sinh + Rửa tôi người lớn

Chứng tích cổ nhất về Thánh Lễ Cộng Đoàn

Ngay từ buổi đầu Giáo Hội đã mừng Thánh Lễ. Không có một giai đoạn nào trong lịch sử mà lại không có Thánh Lễ. Các chứng tích trong Tân Ước đã không tường trình những chi tiết cụ thể. Bức ảnh toàn diện nhất về Thánh Lễ mà chúng ta có được là do triết gia tử đạo Giustinus truyền lưu lại (+165). Ông sinh trưởng tại Pa-lét-ti-na,
và sau khi trở lại đạo đã đến Rô-ma. Nơi đây ông sống và dậy học từ năm 30. Vào khoảng năm 150 Giustinus viết cuốn Hộ Giáo (Apotologie) đầu tiên, một thư biện hộ cho niềm tin Ki-Tô giáo gởi cho Hoàng Để Rô-ma Antonius Pius. Trong bức thư này, ông đã đề cập đến Thánh Lễ Chúa Nhật của thời đó.
Tường trình Giustinus là một hòn báu ngọc vô cùng đặc biệt. Ông tường thuật lại:“Vào ngày, được gọi là ngày của mặt trời“, tất cả những người sống trong thành phố và ở nhà quê cùng đến một địa điểm. Rồi sách “tưởng nhớ các Tông Đồ“ được đọc lên, hoặc là sách các Ngôn Sứ, dài ngắn tùy theo thời gian cho phép. Sau khi người đọc sách chấm dứt nhiệm vụ, thì người chủ lễ nói vài lời diễn giải, trong đó ông khẩn khoản nhắc nhở mọi người thực thi giáo lý tốt lành. Và chúng tôi cùng đứng dậy cầu nguyện.
Rồi sau khi lời kinh chấm dứt, bánh rượu và nước lạnh được mang đến. Với hết toàn lực, vị chủ lễ dâng lời kinh tạ ơn lên Thiên Chúa, và cộng đoàn đồng ý bằng cách nói A-men, và mỗi người hiện diện đón nhận một phần của lễ, mà trên đó đã nói lời tạ ơn. Những ai vắng mặt thì được các phó tế mang bánh đến. Những ai khá giả và tất cả những người có lòng hảo tâm thì bố thí tùy theo dự định của họ.Những gì quên góp được để lại nơi vị chủ lễ. Ông lo cho những người mồ côi và góa bụa và cho tất cả những ai bệnh hoạn hay phải chịu đựng những tai ương khác; cũng cho những tù nhân và những người từ xa đến. Tóm lại cho những ai gặp phải khó khăn. Ông ta lo lắng cho tất cả những người này.
Thay vào phần phụng vụ lời Chúa có khi là nghi thức rửa tội. Trong trường hợp này, lời nguyện giáo dân giúp chuyển tiếp sang phần phụng vụ Thánh Thể. Nghi thức phụng vụ có hai phần, và cho dù khác nhau, đã phát triển thành một: Phụng vụ Lời Chúa là gia sản từ phụng vụ của dân Ít-ra-en, và Thánh Thể là phần đặc thù Ki-tô giáo. Thánh Lễ được cử hành vào sáng Chúa Nhật.
Trình thuật của Giustinus đã lưu truyền lại cơ cấu căn bản của Thánh Lễ của Giáo Hội sơ khai. Với thời gian, Thánh Lễ đón nhận thêm nhiều yếu tố khác, nhưng các nét cơ bản thì không thay đổi.
(Lm Nguyễn Đức Vinh SVD)

Lời Ngỏ của cha Vinh

Nếu bàn ăn là nơi quy tụ mọi người trong gia đình, thì „bữa ăn của Chúa“ là điểm quy tụ những con người tin theo Đức Giêsu. Trong hoàn cảnh đất khách quê người thì người Việt Nam họp mặt dâng lễ với nhau có bầu khí đặc biệt như Giáo Hội ban đầu. Thánh lễ cộng đoàn Việt Nam là điểm hẹn cho các Kitô hữu Việt Nam sống xa nhau. Thánh Lễ là điểm gom tụ các tín hữu để tạo nên cộng đoàn.

Chính vì Thiên Chúa mời gọi, nên những người tìm đến đã dám cởi bỏ dần dần những ngần ngại, lo âu và sợ sệt, cũng như những ngờ vực và nghi kỵ mà hoàn cảnh sống tạo nên. Và khi (chịu) ngồi chung Bàn Tiệc của Chúa, con người được biến đổi. Cái giá phải trả cho „phép lạ“ đó, trước hết là một sự hy sinh. Không chỉ hy sinh thời giờ và tiền xăng thôi, mà còn khó hơn thế nữa. Đó là việc chịu từ bỏ ý riêng, bỏ cách suy nghĩ vẫn quen trong đời sống hằng ngày với những mục đích hạn hẹp của nó, để hòa mình vào lối suy nghĩ của Đức Giêsu, của Giáo Hội.
Hy sinh, vì chịu ngồi chung bàn với những người mà mình không ưa thích, để cùng mừng cùng hát với họ. Sẵn sàng hướng lòng mình về Thiên Chúa, chứ không còn hướng về những lợi lộc và ý riêng. Hợp tiếng cùng với cộng đoàn để cầu xin những điều mà chính mình bây giờ không cần đến, nhưng là cho những người đang hoạn nạn thiếu thốn trên khắp toàn thế giới.
Cầu xin những điều to lớn hơn những ước vọng riêng tư. Và qua đó, người tham dự Thánh Lễ được đặt vào một khuân khổ to lớn hơn những gì mắt thấy tai nghe. Được đưa vào mầu nhiệm Thiên Chúa.
Trong Thánh Lễ, cuộc đời với những buồn vui và lo lắng, thành công và thất bại, những khen chê, đồng ý và từ chối, cũng như mọi việc làm ăn sinh sống hằng ngày. Tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống được đưa vào lãnh vực của Thiên Chúa, để làm của lễ hợp với hy tế của Đức Giêsu, dưới hình bánh và rượu. Nhưng chỉ khi dám nhìn nhận mình là ai, phải thật lòng, thì chúng ta mới dâng lễ như vậy được.
Khi ăn chung một bánh, uống chung một chén, người tín hữu được kết hợp với nhau và với Đức Kitô. Ý thức dần được rằng: tất cả là con cái của một Cha trên trời, và chúng ta sống được là nhờ chính Chúa nuôi. Như thời đầu của Giáo Hội, tham dự thánh lễ là một dấu hiệu cho mọi người thấy : người đó „bên giáo“, là kẻ „đi đạo“. Tham dự Thánh Lễ cho biết mình thuộc về đâu, đồng thời là cách làm chứng niềm tin công khai. Những lời và cử chỉ đơn giản Chúa Giêsu đã nói đã làm trong bữa ăn cuối, đã được bao quanh bằng nhiều nghi thức, cử chỉ và lời nguyện khác nhau trong suốt 2000 năm qua. Cũng như thứ kim loại quý giá mà người thợ bạc bọc quanh một viên ngọc, với những đường nét trình bày hết sức tỉ mỉ, đầy công phu và nghệ thuật. Vì thế hình thức thánh lễ mà chúng ta quen, là đúc kết những kinh nghiệm sống niềm tin của hàng chục thế kỷ. Thánh Lễvới trật tự hiện có, được dâng trong tiếng mẹ đẻ của mình, là một kết quả của công đồng Vatican II.
Giúp hiểu rõ hơn một chút những điều mà các tín hữu đang thực thi làmục đích của những trang viết này. Nhất là khi vì sự bất đồng ngôn ngữ cản
trở việc tham dự tích cực như ước muốn. Giải thích các biểu tượng, nghi thức, cử chỉ, lời nói cũng như lịch sử hình thành và các ý nghĩa của chúng là muốn „giúp các tín hữu tham dự với cả xác hồn, một cách ý thức, tích cực, đầy đủ, và với lòng tin, cậy, mến nồng nàn (quy chế tổng quát sách lễ Roma điều khoản 3) Hiểu hơn là để yêu mến hơn, để được dẫn đưa vào mầu nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa, và để được nuôi sống từ đó. Mầu Nhiệm thì không thể giải thích hay hiểu thấu được bằng lý trí.
Chúng ta chỉ có thê tiến đến gần qua việc mừng đều đặn thánh lễ. Con đường để đi sâu vào Bí Tích Tình Yêu và sự biến đổi con người qua đó, là sự trung thành tham dự Thánh Lễ cách tích cực.
(Lm Nguyễn Đức Vinh SVD)

Nguồn gốc và phát triển của Thánh Lễ
Ăn chung mâm ngồi chung bàn

Thánh Lễ tự nguồn gốc là một bữa ăn. Cùng ăn uống chung với người khác là mọt việc mà Đức Giêsu quen làm, như các sách Tin Mừng tường thuật lại. Người coi trọng hình thức gặp gỡ có tính chất cộng đoàn này, bất chấp sự chỉ trích của những người Pha-ri-sêu. Họ còn coi Người như là một “tay ăn nhậu“ (Lc 15,2); vì đã không ngại “ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!“ (Mc 2,16).
Khi ngồi quanh một mâm trong một bữa ăn, chủ và khách có cơ hội đến gần với nhau, trao đổi, chia sẻ, để rồi hiểu biết và thông cảm nhau hơn. Tình nghĩa và tin yêu có thể nảy mầm và lớn mạnh. Ăn chung với ai là bày tỏ sự ưu ái và tin cậy: Có quí trọng ai thì mới mời, mới đến ăn chung. Và nếu có Chúa là khách, thì bữa ăn sẽ là nơi con người tìm ơn tha tội (LC 7,8) và ơn cứu độ được thực hiện (Lc 19,9).
Bữa ăn chung với Đức Giê-su chắc chắn đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời các môn đệ. Đi theo Người, họ nghe giảng dạy, nhìn thấy những dấu chỉ và lớn dần trong mối quan hệ Thầy trò. Các bữa ăn là một phần quan trọng trong bước đường theo Chúa. Nơi này các kinh nghiệm của đoạn đường đã đi qua được ôn lại, được chia sẻ và giải thích. Qua đó, họ được liên kết ngày càng chặt chẽ hơn với Thầy của mình. Các môn đệ nhận ra dần ơn gọi của Đức Giê-su: Biết Người là ai. Rồi từ đó cũng nhận ra dần được ơn gọi của chính mình, để trung thành và sẵng sàng theo Chúa cách triệt để hơn. Như vậy các bữa ăn chung đó cũng là một sự chuẩn bị cho bữa ăn cuối cùng với Chúa: Tiệc Ly.
Hình thức của bữa tiệc trong truyền thống dân tộc Ít-ra-en Bữa tiệc của Do-Thái giáo cổ điển có một trật tự rõ ràng. Đầu bữa tiệc, khi cả gia đình tập họp đầy đủ, người chủ nhà cầm lấy tấm bánh, nâng lên khỏi mặt bàn để cho mọi người có thể nhìn thấy, và đọc lời chúc tụng: “Chúc tụng Chúa, Gia vê, là Chúa chúng con, là vua vũ trụ, vì đã để cho bánh này nẩy nở từ lòng đất. “Người ngồi chung bàn đáp “A-men“ để tỏ bày sự đồng ý với lời chúc tụng đó. Rồi người chủ nhà bẻ bánh, và trao cho mỗi người một miếng nhỏ. Sau khi mọi người ăn xong miếng bánh – như là dấu chỉ cho sự gắn bó, bữa ăn chính được bắt đầu. Mảnh bánh được bẻ từ tấm bánh được coi như là món chính.
Sau khi nghỉ một lát, chủ và khách bắt đầu thưởng thức rượu và chuyện trò, cuối bữa tiệc, chủ nhà mời gọi tạ ơn trong một đối thoại. Ông nói: “Chúng ta dâng lời chúc tụng. “mọi người đáp: “Chúc tụng Danh Chúa, hôm nay cho đến mãi muôn đời.“ Chủ nhà: “ Chúc tụng Chúa chúng ta, bởi vì chúng ta dùng thức ăn của Chúa và sống bằng sự nhân nghĩa của Người. “Tất cả: “ Chúc tụng Chúa và Danh Thánh Người.“ Rồi ông ta nhấc chén rượu lên khỏi mặt bàn và đọc lời chúc tụng:
1- Chúc tụng Chúa, Gia vê, là Chúa chúng con, là vua vũ trụ, đã dưỡng nuôi thế giới trong nhân từ, trìu mến và lòng xót thương.Chúc tụng Chúa, Gia vê, đấng dưỡng nuôi thế giới.
2- Chúng con dâng lời tạ ơn Chúa, Gia vê, Chúa chúng con, vì Chúa đã ban cho chúng con một vùng đất rất đáng yêu quí làm gia nghiệp, (để chúng con sinh sống bằng những hoa trái của nó, và no nê từ mùa màng nó mang lại!) Chúc tụng Chúa, Gia vê, Chúa chúng con, cho phần đất và cho những thực phẩm.
3- Xin xót thương, Gia vê, Chúa chúng con, dân Ít-ra-en của Chúa, thành đô Giê-ru-sa-lem của Chúa, thương Xi-on, là nơi vinh quang Chúa ngự, thương bàn thờ của Chúa và đền thờ của Chúa.
Chúc tụng Chúa, Gia vê, Đấng đã xây dựng Giê-ru-sa-lem.
4- Chúc tụng Chúa, Gia vê, Chúa chúng con, là Đấng tốt lành và tỏ bày sự tốt lành.Lời chúc tụng lớn này là lời kinh nổi bật nhất của toàn cả bữa tiệc. Người Do-thái chúc tụng Thiên Chúa là Tạo Hóa, Đấng bảo vệ che chở Đất nước, Đền Thánh và ban phát mọi sự tốt lành. Sau khi cùng đáp “A-men“ mỗi người uống một ngụm từ Chén Chúc Tụng (Chén Chúc Lành).
Bữa ăn đối với họ, như thế, không chỉ là chuyện thoải mái giữa con người với nhau thôi, mà là một sự tập hợp dưới ánh mắt Thiên Chúa và với ơn phúc của Người. Là một dấu chỉ bên ngoài cho thực tế bên trong: Được Thiên Chúa trao ban cho thực phẩm, tình bằng hữu và sự sống. Cơ cấu căn bản này vẫn được giữ, ngay cả khi bữa tiệc được nới rộng thêm.
Bữa tiệc ly của Đức Giê-suĐức Giêsu và các môn đệ, cũng như cho mọi thành phần dân Ít-ra-en, đã mừng tiệc theo các nghi thức và truyền thống dân tộc ấn định. Nhưng trong bữa tiệc cuối cùng, Đức Giê-su đã đặt những trọng điểm mới, mở lối cho tương lai lâu dài, Tiệc ly có phải là một bữa ăn theo kiểu Tiệc Passah của người Do thái hay không, điều này vẫn còn được tranh cãi, nhất là vì sách Tân Ước không đưa ra câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi đó. Chắc chắn là: bữa tiệc của người Do Thái chứa đựng tất cả các yếu tố, mà nhờ đó có thể giải thích rõ ràng được các thắc mắc liên quan đến những việc Đức Giê-su đã làm.
Cổ nhất trong bốn tường thuật về bữa Tiệc ly trong Tân Ước là của Thánh Phao-lô. Ngài tóm tắt lại như vậy: “Trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: Đây là chén máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước ; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy“ (1 Cr 11,23-25)
Bữa tiệc cuối đó đã trở nên di chúc mà Đức Giê-su để lại cho các môn đệ của Người. “ Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy“, yêu cầu này đã ghi dấu sâu đậm trong tâm khảm của các môn đệ. Nhiệm vụ được giao đã nối liền với cuộc sống các Tông Đồ và Giáo Hội – ngay từ giờ phút đâu tiên và qua suốt mọi thời gian.
(Lm Nguyễn Đức Vinh SVD)

Tết Ất Mùi 2015 tại Flörsheim

Tĩnh tâm tuần thánh toàn vùng 2015 - phần I

Tĩnh tâm tuần thánh toàn vùng 2015 - phần 2

Tĩnh tâm tuần thánh toàn vùng 2015 - phần 3

Lễ Giáng Sinh 2014 tại St. Anna