Các Vương Cung Thánh Đường thường có một tiền sảnh. Kiến trúc này giúp cho việc chuẩn bị toàn diện trước khi bước vào chánh điện, vào nhà thờ. Người ta có thể rũ bỏ hết lại ở đó những hấp tấp vội vàng và ồn ào của đời sống thường nhật, mà tập trung cho việc gặp gỡ Thiên Chúa. Để bắt đầu Thánh Lễ - với hai phần chính là Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể - cũng cần có một sự chuẩn bị tâm hồn như thế.

“Các nghi thức đầu lễ: ca nhập lễ, lời chào, nghi thức sám hối, kinh Lạy Chúa xin thương xót, kinh Vinh Danh và lời nguyện nhập lễ đều có tính cách mở đầu, dẫn nhập và chuẩn bị. Mục đích các nghi thức này là giúp cho các tín hữu đã tập họp được hiệp thông với nhau và chuẩn bị tâm hồn để nghe Lời Chúa cho nghiêm chỉnh và để cử hành thánh lễ cho xứng đáng” (24).

Người Việt Công giáo có thói quen đọc kinh hay lần hạt trước lễ. Đây là một cách để chuẩn bị hồn xác xứng hợp; tạo nên bầu khí trang nghiêm cho nghi lễ tiếp theo sau. Ngoài ra, đây cũng là thời gian để gom tụ các tín hữu đến không cùng một lúc trước khi bắt đầu cử hành Thánh Lễ. Người tham dự vì thế cần phải hát và cầu nguyện chung – “để trở nên Dân Chúa dưới Lời của Người và để trở thành Bàn Thờ của Thiên Chúa” (B. Fischer); cũng như để trở thành cộng đoàn của Đức Giê-su Ki-tô nơi Bàn tiệc Lời Chúa và Bàn tiệc Thánh Thể.