Tĩnh Tâm Tuần Thánh

Flörsheim Gründonnerstag 28.03.2024

Flörsheim Karfreitag 29.03.2024

Flörsheim Karsamstag 30.03.2024

Nhà thờ St. Gallus

Hauptstraße 28, 65439 Flörsheim

Nhà thờ St. Gallus

Hauptstraße 28, 65439 Flörsheim

Nhà thờ St. Gallus

Hauptstraße 28, 65439 Flörsheim

16g00 Giải tội + Giảng Thuyết

17g00 Thánh lễ có nghi thức rửa chân

17g00 Giải Tội + Giảng Thuyết

18g00 Suy tôn thánh giá

16g00 Giảng thuyết

17g00 Giải tội

18g00 Thánh lễ Phục sinh + Rửa tôi người lớn

Anh chị em thân mến,
tháng Mân Côi lại về với chúng ta. Giáo Hội dâng tháng Mười cho Đức Mẹ Mân Côi. Mỗi khi tháng Mười về, chúng ta không nên nghĩ ngay đến việc lần hạt Mân Côi, nhưng hãy nghĩ đến người mẹ hiền trên trời, người mẹ yêu thương chúng ta, người mẹ dùng kinh Mân Côi để đồng hành với chúng ta trên con đường đời.

Những biến cố trên thế giới xảy ra hiện nay làm cho tôi gắn bó hơn với kinh Mân Côi, hay nói đúng hơn, gắn bó với người mẹ trên trời qua kinh Mân Côi. Năm ngoái 2014 tôi rất thường xuyên nhận được giấy mời đi họp của tòa giám mục, của Quản Hạt Frankfurt hay của chính quyền Frankfurt với đề tài về người tỵ nạn. Tôi rất ngạc nhiên tại sao người ta lại bàn về đề tài này nhiều đến thế. Có những buổi nghe thuyết trình về những bệnh tâm thần nơi người tỵ nạn, có buổi học hỏi về tâm lý người phụ nữ tỵ nạn, hoặc về thái độ sống của trẻ em tỵ nạn, tìm hiểu xem người tỵ nạn có những nhu cầu gì chẳng hạn như nhu cầu về sức khoẻ, tôn giáo, ngôn ngữ… Rồi người ta yêu cầu các giáo xứ, các gia đình nên kiểm lại các phòng ốc của hình hoặc đất đai của mình xem có chỗ nào còn trống có thể làm chỗ tạm trú cho người tỵ nạn không v.v….Sang đến mùa hè 2015 tôi mới thấy rằng những gì người ta tiên đoán đã trở thành sự thật. Từng làn sóng người tỵ nạn tràn vào nước Đức. Chính phủ ước lượng có thể lên đến 800.000 người. Những gì xảy ra làm tôi rất phục dân tộc Đức. Họ đã có trực giác nhạy bén trước thời cuộc, biết tiên đoán và biết lo xa chuẩn bị. Họ có cái nhìn đi trước và tìm biện pháp phòng ngừa.

Trong lịch sử Giáo Hội, chúng ta cũng thấy Đức Mẹ cũng có cái nhìn đi trước để giúp đỡ chúng ta là con cái của Người. Tại Fatima Đức Mẹ đã nhìn thấy đại hoạ sắp giáng xuống trên các dân tộc do tội lỗi con người, thấy được sự tàn phá của một nước Nga vô thần cộng sản sẽ tới, thấy được sự bách hại mà người tín hữu sẽ phải chịu. Và Đức Mẹ cũng đưa ra biện pháp để chuẩn bị và chữa trị: hãy ăn năn đền tội, hãy tôn sùng trái tim Mẹ và hãy năng lần hạt Mân Côi. Những gì Đức mẹ lo lắng đều đã xảy ra và những biện pháp của Đức Mẹ đưa ra cũng có hiệu nghiệm khi giáo dân tuân giữ. Các mệnh lệnh của Mẹ - ăn năn đền tội, tôn sùng trái tim Mẹ và năng lần hạt Mân Côi - vẫn còn luôn thức thời. Cộng đồng nhân loại hôm nay cũng đang đứng trước nguy cơ hủy diệt lớn lao, người tín hữu bị bách hại nhiều nơi trên thế giới, đồng thời hiện tượng tỵ nạn đang trở thành một vấn nạn lớn cho xã hội sống chung quanh. Với sức riêng con người không thể giải quyết được các vấn đề này.

Vì thế tôi ước mong rằng từng người trong chúng ta, từng gia đình trong các cộng đoàn chúng ta nên có cố gắng để kết hợp với ngưòi mẹ nhân lành trên trời của chúng ta bằng cách năng lần hạt Mân Côi. Lần hạt riêng từng người, lần hạt trong từng gia đình, lần hạt trong hội đoàn…Chẳng hạn việc ca đoàn trong tháng Mân Côi trước khi tập hát lần một chục kinh Mân Côi thì cũng chẳng có gì là sai với việc tập hát. Tôi xin nhắc lại, là không phải việc lần hạt là chính, nhưng việc liên kết với người mẹ của chúng ta qua kinh Mân Côi mới là chính yếu.

Ngoài ra cộng đoàn công giáo Việt Nam chúng ta đã nhận được từ Giáo Phận nhân ngày lễ suy tôn Thánh Giá 20.09.2015 tại Limburg một cây thánh giá làm từ gỗ của một chiếc thuyền tỵ nạn. Việc trao tặng này biểu tượng cho việc giáo phận nhìn nhận sự đóng góp của cộng đoàn Việt Nam chúng ta cho cố gắng của giáo phận đang lo cho người tỵ nạn. Cây Thánh Giá này sẽ được cộng đoàn Frankfurt trân trọng gìn giữ và sẽ được dùng cho các cuộc rước kiệu. Đây là một sự kiện khích lệ cộng đoàn Công Giáo Viẹt Nam chúng ta và nhắc nhở chúng ta tiếp tục cuộc sống hy sinh phục vụ tha nhân.

Tôi cầu chúc cho anh chị em nhận lãnh được nhiều ơn lành chăm sóc từ người Mẹ hiền của chúng ta trên trời trong tháng Mân Côi này.

Lm Dominik Trần Mạnh Nam

Anh chị em thân mến,

Tôi tin rằng phần lớn các gia đình anh chị em đã có được một mùa hè vui tươi và khoẻ mạnh. Có thể nhiều người trong anh chị em đã có cơ hội đi thăm một số thắng cảnh trên thế giới, hoặc có cơ hội đi thăm họ hàng, bạn bè mà đã lâu không gặp. Nếu những ai không có cơ hội đi xa, thì cũng có thể đã có thời giờ sửa sang nhà cửa hoặc nghỉ ngơi thanh thản. Dù thế nào đi nữa chúng ta cũng cần cám ơn Thiên Chùa đã ban cho chúng ta điều kiện đã có kỳ hè.

Chúng ta cũng nên ý thức thêm, là trong khi chúng ta được vui hưởng một kỳ nghỉ hè, thì nhiều người đang chịu cảnh bất hạnh hơn chúng ta. Đó là những người tỵ nạn đang tìm chốn ẩn náu nương thân.

Trong thời gian này, khi anh chị em theo dõi các tin tức thời sự thì đều nhận thấy chủ đề Tỵ nạn được nhắc dến thường xuyên. Trong tình cảnh này thì giáo hội Công Giáo cũng đã mau mắn tham gia vào việc cứu giúp người tỵ nạn. Đặc biệt địa phận Limburg có yêu cầu tôi nhắn lại với anh chị em là địa phận hy vọng rằng, người Công Giáo Việt Nam đã có kinh nghiệm thế nào là người tỵ nạn, đã từng ấp ù nhiều nguyện vọng và mong ước khi là người tỵ nạn, có thể có nhiều sáng kiến để giúp đỡ người tỵ nạn. Địa phận mong muốn người công giáo Việt Nam đóng góp vào dự án của giáo phận để xây dựng một "nền văn hóa chào đón người tỵ nạn". Các địa phận khác cũng có những dự án tương tự. Giới hữu trách đã ước lượng có thể nước Đức sẽ đón nhận trong năm nay đến 800.000 người tỵ nạn.

Càng ngày càng nhiều người từ bỏ nhà cửa và nơi sinh sống để trôi dạt sang Âu Châu nhất là đến Đức. Có rất nhiều lý do để phải rời xa quê hương, chẳng hạn như chiến tranh; sống trong sự nô lệ của bạo chúa, độc tải; bị bắt bớ vì lý do tôn giáo giống nòi; bạo lực và hỗn độn...Người tỵ nạn tìm kiếm với một niềm hy vọng nơi vùng đất mà chúng ta đang sống đây một sự che chở, sự an ninh và một mái ấm cho gia đình họ. Trong khuân khổ của dự án xây dựng một „nền văn hoá chào đón người tỵ nạn" địa phận Limburg đã khởi đầu bằng việc thành lập một quỹ cứu trợ mà ngay khởi đầu đã thu nhận, chi ra tới 2 triệu Euro. Tổng số tiền các quỹ cứu trợ của các địa phận trong năm 2014 đã dành cho người tỵ nạn là 73 triệu Euro.

Thế nhưng vật chất không chưa đủ. Người tỵ nạn còn cần được sự nâng đỡ về tinh thần. Họ cần được nâng đỡ để học ngôn ngữ, được chỉ dẫn để có thể sống hội nhập, được học nghể và huấn nghiệp để có thể tự sinh sống sau này. Họ cũng cần sự hỗ trợ về sức khỏe y tế và tâm thần. Địa phận kêu gọi nhiều thiện nguyện viên tham gia vào các dự án của địa phận.

Câu châm ngôn dẫn đường cho việc thực thi dự án của địa phận được trích từ bài nói chuyện của Đức Giáo hoàng Phanxico: „sứ điệp đâu tiên của Phúc Âm là: Chúa Giêsu từ lúc chào đời đã là một người tỵ nạn chứ không phải là một du khách".

Trong các cộng đoàn chúng ta cũng đang dần dần có những sáng kiến. Ngày 23.08 vừa qua hội đọc kinh Trinh Vương nhân dịp mừng Bổn Mạng đã quyên góp được 400 Euro để đóng góp vào giáo xứ St. Anna cho việc giúp người tỵ nạn. Gia Đình Tôn Vương cũng dự định vào ngày 06.09 tại giáo xứ Bonames có sinh hoạt để giúp người tỵ nạn. Một số cá nhân đã tham gia các nhóm nâng đỡ người tỵ nạn. Tôi cám ơn các anh chị em đó và muốn khuyến khích các cộng đoàn nên có thêm sáng kiến đóng góp vào việc nâng đỡ người tỵ nạn.

Trong tháng này có ngày lễ kính Thánh Giá Chúa Giêsu. Ngày lễ này nhắc nhở chúng ta rằng các việc lành của chúng ta không hẳn mang lại cho chúng ta vinh quang, trái lại nhiều khi còn mang lại cho chúng ta những sự khó khăn cản trở. Bởi lẽ con cái sự tối thì luôn thù nghịch với con cái sự sáng. Noi gương Chúa Giêsu trên thập giá, xin anh chị em cứ can đảm dấn thân cho các công việc của Giáo Hội để làm nhân chứng tình yêu cho nhân loại. Xin các tổng lãnh tiên thần Micae, Gabriel và Raphael mà chúng ta mừng lễ cuối tháng này luôn gìn giữ anh chị em.

Lm Dominik Trần Mạnh Nam

Anh chị em thân mến,

Nước Đức lúc này đang rộn rịp sống trong bầu khí nghỉ hè. Các gia đình Việt Nam chúng ta cũng tham dự vào nhịp sống này. Nhiều gia đình đã lên kế hoạch cho con cái được đi nghỉ mát nơi xa. Chúng ta cám ơn Chúa giờ đây được hưởng nền văn hóa „Urlaub" (Nghỉ Hè). Trước đây tại quê nhà thì ý tưởng Urlaub thật là xa lạ, và nếu có thì cũng là xa xỉ phẩm.

Khi quan sát nước Đức vào mùa nghỉ hè tôi thấy mấy điều đáng suy nghĩ. Chẳng hạn như, thông thường suốt năm khi tôi đến các phòng mạch hay nhà thương, tôi thấy các bệnh nhân đông đúc ngồi chờ tại phòng đợi. Khi tiếp xúc với các bác sĩ (nhất là khi tôi là tuyên úy nhà thương) ai cũng kêu là bận rộn quá, bệnh nhân đau khổ quá cần cứu giúp khẩn cấp rất nhiều. Cái gì cũng khẩn cấp cả. Thế nhưng đến kỳ hè thì các phòng mạch đều có thời gian đóng cửa 3 tuần. Bác sĩ đi vắng, y tá đi nghỉ. Thế mà cuộc sống xã hội vẫn tiếp tục. Không thấy bệnh nhân nào chết vì bác sĩ đi nghỉ hè. Sau kỳ nghỉ phòng mạch lại tiếp tục, bác sĩ và y tá lại còn nói rằng nhờ nghỉ hè mà năng lực tăng thêm, phòng mạch chạy tốt hơn. Kể cả các văn phòng luật sư, cơ quan hành chánh ai cũng kêu bận rộn vì nhiều thân chủ quá, toàn là trường hợp khẩn cấp cả. Thế nhưng đến kỳ hè cũng đóng cửa. Cuộc sống vẫn tiếp tục. Nhân viên văn phòng đều nói là nhờ nghỉ hè mà làm việc tốt hơn. Thậm chí ở thành phố Bonn tôi quen một vài nhà hàng bán rất chạy, khách hàng đông nghẹt mỗi ngày, thế mà mỗi năm họ cũng đóng cửa một tháng. Thế mà cuộc sống vẫn cứ trôi, quán ăn của họ vẫn tấp nập. Họ cũng nói, sau khi nghỉ hè, đầu óc làm ăn được minh mẫn hơn.

Trước các biến cố kỳ nghỉ hè như vậy, tôi nghỉ đến đời sống Kito hữu chúng ta. Như vậy thì lập luận rằng: „con biết các kỳ giảng Tĩnh Tâm, các buổi Linh Thao rất hay, các thánh lễ đầy ơn ích, nhưng con không có thời giờ. Con bận rộn lắm. Con mà bỏ đi nghe giảng thì công việc hư hết..." không có sức thuyết phục tôi nữa. Chúng ta có thể tin rằng, nếu một bác sĩ đóng cửa phòng mạch 3 ngày để đi tĩnh tâm, thì khi về, tâm hồn vị bác sĩ đó sáng suốt hơn, nhưng phòng mạch vẫn chạy?
Không ai muốn lãng phí kỳ hè mà không đi nghỉ trong dịp hè, vì thế tôi nghĩ rằng giáo dân chúng ta cũng không nên lãng phí những dịp bồi dưỡng linh hồn mà Chúa ban cho chúng ta. Cứ như những gì tôi quan sát trong văn hoá nghỉ hè, thì ai đó trong chúng ta thu xếp bỏ qua các bận rộn thường ngày để tham gia các dịp lãnh ơn thánh, người đó sẽ không chết mà lại được lợi nhiều hơn. Chỉ có một điều là ta có can đảm theo Chúa hay không.

Tôi cầu chúc cho cộng đoàn chúng ta có được nhiều dịp bồi dưỡng đức tin và tinh thần. Và cũng cầu chúc anh chị em tham gia vào những dịp như vậy đông đảo với một niềm xác tín rằng đó là những cơ hội ngàn vàng Chúa ban cho linh hồn chúng ta. Tôi cũng ước mong anh chị em ghi tên vào những buổi hướng dẫn của cha Nguyễn Tầm Thường trong năm nay, vì ngài muốn dành nhiều công đặc biệt để giúp các cộng đoàn chúng ta trong năm nay.

Xin cầu chúc anh chị em được nhiều niềm vui và ơn thánh trong mùa hè này. Chúc anh chị em tìm được Thiên Chúa khi trở về với thiên nhiên. Đặc biệt trong ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời 15.08 này.

Lm Dominik Trần Mạnh Nam

Tết Ất Mùi 2015 tại Flörsheim

Tĩnh tâm tuần thánh toàn vùng 2015 - phần I

Tĩnh tâm tuần thánh toàn vùng 2015 - phần 2

Tĩnh tâm tuần thánh toàn vùng 2015 - phần 3

Lễ Giáng Sinh 2014 tại St. Anna